Mắt bị mờ là tình trạng thường gặp ở mọi lứa tuổi. Tình trạng này xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau và có thể gây giảm thị lực. Do đó bạn cần biết rõ nguyên nhân để có hướng điều trị đúng và kịp thời.
Nguyên nhân khiến mắt bị mờ
Thói quen sinh hoạt
1. Tiếp xúc nhiều với màn hình máy tính, tivi, điện thoại
Ngồi quá lâu trước màn hình máy tính, điện thoại cũng có thể khiến mắt bị mờ, kèm theo nhức mỏi mắt. Đây còn được gọi là hội chứng thị giác màn hình. Hội chứng này bao gồm nhiều triệu chứng như căng thẳng, mệt mỏi, đau nhức, mắt bị mờ khi tiếp xúc màn hình thiết bị điện tử trong thời gian dài. Theo một số thống kê, khoảng 50 – 90% người làm việc trước màn hình vi tính đều bị vài triệu chứng khó chịu ở mắt.
2. Thường xuyên dụi mắt
Khi mắt bị mỏi, chảy nước mắt, hoặc khi mắt bị ngứa ngáy, việc dụi mắt sẽ khiến nhiều người thấy dễ chịu. Tuy nhiên, các bác sĩ nhãn khoa cho rằng, việc làm này sẽ mang lại tác hại cho mắt nhiều hơn là lợi ích. Dụi mắt sẽ giúp mắt giảm ngứa, đồng thời loại bỏ dị vật. Thế nhưng dụi mắt thường xuyên và mạnh tay sẽ khiến giác mạc bị xước gây đau đớn, khó chịu, thậm chí có nguy cơ vỡ mạch máu, mắt bị mờ.
3. Sử dụng kính áp tròng sai cách
Kính áp tròng có thể giúp bạn thoải mái, thuận tiện và tự tin hơn trong cuộc sống hằng ngày. Bên cạnh đó, khi sử dụng kính áp tròng, bạn cũng có thể điều chỉnh được tật khúc xạ. Tuy nhiên, nếu đeo kính áp tròng không đúng cách, đeo trong thời gian dài sẽ dẫn đến hiện tượng mắt bị mờ hoặc bị đổ ghèn.
Nguyên nhân là do khi đeo kính áp tròng sẽ ngăn mắt tiếp xúc với không khí, khiến giác mạc bị thiếu oxy, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến sẹo tròng đen mắt. Người làm việc trong môi trường ô nhiễm hoặc sống ở khu vực có nhiều khói bụi chỉ nên đeo kính áp tròng khoảng 3 – 4 tiếng. Ngoài ra, khi ngủ trưa hay qua đêm nên tháo kính áp tròng để mắt được nghỉ ngơi.
4. Tác dụng phụ của một số loại thuốc
Một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ khiến mắt bị mờ. Vì vậy người bệnh cần theo dõi và liên hệ với thầy thuốc để được tư vấn khi gặp các tác dụng phụ không mong muốn.
Bệnh lý về mắt
Một số bệnh lý về mắt cũng là nguyên nhân khiến mắt bị mờ, giảm dần thị lực:
1. Đục thủy tinh thể
Đục thủy tinh thể (còn được gọi là cườm khô, cườm đá, cườm hạt) là một trong các căn bệnh về mắt làm suy giảm thị lực. Đây là tình trạng protein tập trung thành đám trước võng mạc làm thể thủy tinh bị mờ đục, khiến ánh sáng bị tán xạ và không thể đi qua để vào võng mạc, vì vậy hình ảnh mà mắt nhìn thấy được cũng sẽ bị mờ đi.
Người bị đục thủy tinh thể ở giai đoạn đầu sẽ không làm mắt mờ đi nên bệnh nhân không phát hiện mình bị bệnh. Theo thời gian, khi bệnh tiến triển nặng hơn sẽ làm suy giảm thị lực rõ rệt, nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn đến mù lòa.
2. Khô mắt mãn tính
Khi bị khô mắt mãn tính, sẽ xuất hiện triệu chứng đau, nhạy cảm với ánh sáng, cảm giác cộm xốn, có dị vật hay như có cát trong mắt, ngứa, đỏ mắt, mắt bị mờ, chảy nước mắt sống. Nguyên nhân chính là do ở trong môi trường thiếu độ ẩm, tác dụng phụ của các loại thuốc dị ứng, ngừa thai, viêm khớp…
3. Tăng nhãn áp
Tăng nhãn áp (cườm nước hay thiên đầu thống) là bệnh về mắt khiến áp lực trong mắt tăng cao làm tổn thương các dây thần kinh thị giác. Người bị tăng nhãn áp, dẫn đến mất thị lực. Bệnh tăng nhãn áp có 4 loại là tăng nhãn áp góc mở, tăng nhãn áp góc đóng, tăng nhãn áp bẩm sinh và tăng nhãn áp thứ cấp.
Người bị mắc căn bệnh này sẽ có các dấu hiệu như đỏ mắt, buồn nôn, rối loạn thị giác. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời người bệnh tăng nhãn áp có thể mất mô thần kinh dẫn đến mất thị lực.
4. Tật khúc xạ
Với những người bị tật khúc xạ, tình trạng mắt bị mờ, mắt mờ một bên… khiến mắt không thể nhìn rõ hình ảnh và gây suy giảm thị lực. Có ba loại tật khúc xạ phổ biến, cận thị là mắt bị mờ không nhìn rõ vật ở xa, viễn thị là mắt bị mờ không nhìn rõ vật ở gần. Loạn thị là hình ảnh xung quanh đều bị mờ hoặc méo đi.
Cách khắc phục tình trạng mắt mờ
- Luôn đeo kính khi đi ra ngoài để tránh tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím, hạn chế khói bụi bay vào mắt. Dùng kính bảo hộ khi làm việc với các chất độc hại, khi chơi các trò chơi thể thao mạo hiểm.
- Thói quen sinh hoạt lành mạnh có thể hạn chế tình trạng mắt bị mờ
- Hãy để mắt nghỉ ngơi sau mỗi 20 phút làm việc với khoảng cách 20cm trong thời gian 20 giây. Đứng dậy ít nhất 2 giờ một lần và nghỉ ngơi 15 phút trước khi quay lại với công việc.
- Hạn chế hút thuốc lá hoặc tránh các nơi có nhiều khói thuốc lá bởi khói thuốc lá là nguyên nhân gây tổn thương dây thần kinh thị giác, dẫn đến nguy cơ bị đục thủy tinh thể.
- Nên có chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung các thực phẩm chứa acid béo omega-3, lutein, kẽm, vitamin C, E để giúp ngăn ngừa các bệnh về mắt như thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể. Chọn các loại thực phẩm giàu vitamin như rau bina, súp lơ xanh, trứng, đậu, cá biển, cam…
- Chăm sóc mắt hàng ngày và thường xuyên để tránh các bệnh lý về mắt, tránh tình trạng mắt bị mờ dần và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm về sau.
- Điều trị các bệnh lý về mắt để khắc phục tình trạng mắt mờ, ngăn ngừa nguy cơ mất thị lực.